Mục Đích Của Điều Ác

Afrikaans – ChineseEnglishGermanSpanishVietnamese

‘Mục đích của điều ác là gì?’ là một câu hỏi đánh đố biết bao người khôn ngoan trong thế giới này ngay từ ban đầu, nhưng câu hỏi này có thể được giải đáp và đây là bài viết khẳng định chủ quyền của một Đức Chúa Trời vinh quang, là Đấng tể trị trên tất cả và công việc Ngài không nằm ngoài mục đích mang đến điều tốt đẹp cho chúng ta về sau rốt.

Tôi cần cảnh tỉnh mình rằng đã có vô số bài báo và sách được viết ra, đã có vô số các cuộc tranh cải và biện luận, và vô số các câu hỏi đã được đặt ra trong suốt chiều dài lịch sử loài người về mục đích tồn tại của điều ác. Và dĩ nhiên cũng đã không thiếu những câu trả lời và kết luận đầy dẫy trên khắp thế giới. Tôi nghĩ rằng cái kết luận nổi bật nhất của các giáo hội cho tới ngày hôm nay là chúng ta thực sự không thể hiểu hoặc biết gì về khía cạnh này. Kết luận này là hoàn toàn sai lầm.

Điều ác đã có trước sự sa ngã của A-đam và Ê-va.

Chẳng phải có lời chép rằng trong khi Thiên Chúa che giấu một vấn đề để vinh quang của Ngài tỏa sáng, thì loài người lại cảm thấy vinh hạnh khi tìm tòi khám phá ra được những bí ẩn này sao (Châm ngôn 25:2)? Tôi đã không tự tìm ra câu trả lời cho vấn đề này bằng sức mạnh của riêng mình, nhưng trong lúc tìm kiếm Chúa, Ngài đã giải đáp cho tôi, và tôi thật háo hức mong mỏi chia sẻ những điều này cho người khác qua bài viết để họ có thể được gây dựng và an ủi. Tất nhiên, chỉ những người mà lẽ thật được ban cho, họ sẽ có được sự hiểu biết và thấy vui mừng.

Giáo lý tiêu chuẩn của các giáo hội cho rằng điều ác bắt đầu xuất hiện khi con người chọn hành động phạm tội qua sự sa ngã của A-đam và Ê-va. Nhưng điều ác đã tồn tại trước khi có Sự Sa Ngã, nếu không thì làm sao Cây Biết Điều Thiện Điều Ác lại có mặt trong vườn Ê-đen? Giáo lý này giải thích thêm và tự mâu thuẫn với chính nó khi nêu rằng: “Cái ác có trước Sự Sa Ngã, khi con rắn (serpent) bị đuổi khỏi Thiên Đàng.”

Nhưng phải chăng con rắn bị đuổi ra khỏi Thiên Đàng trước khi có sự sáng tạo của Chúa? Sáng thế ký 3:1 (BD2011) chép rằng, “Bấy giờ con rắn là con vật quỷ quyệt hơn những sinh vật khác mà CHÚA Ðức Chúa Trời đã dựng nên trên đất.” Con rắn đã được tạo ra vào ngày thứ sáu, vậy làm thế nào mà lại có giả thiết rằng con rắn đã ở trên Thiên Đàng để bắt đầu việc cám dỗ loài người trước khi có sự sáng tạo?

Lập luận tiếp tục: “Ồ khi Sa-tan bị đuổi khỏi Thiên Đàng sau đó nó đã nhập vào con rắn để trả thù Thiên Chúa vì Ngài đã tống khứ nó đi, bằng cách là Sa-tan làm cho con người sa ngã thông qua con rắn.” (Đây chỉ là sự đoán mò, suy đoán hay bịa đặt không có cơ sở, điều này không khác gì những truyện ngụ ngôn thần thoại và chuyện cổ tích dành cho trẻ em.)

Có phải Sa-tan bị đuổi khỏi Thiên Đàng trước khi có Sự Sa Ngã của loài người? Chẳng lẻ chúng ta không đọc trong Gióp 1 rằng Sa-tan đã hiện diện cùng các con trai của Chúa trên Thiên Đàng, là những người đã đến trình diện mình trước Chúa? Chẳng phải là Gióp được sinh ra sau Sự Sa Ngã sao? Và làm thế nào mà Sa-tan được phép xâm nhập Thiên Đàng sau khi đã bị đuổi khỏi đó? Tất cả những lập luận này đơn giản là không ăn khớp nhau.

Chúa Jesus phán rằng nó là một kẻ giết người từ ban đầu (Giăng 8:44).

Hơn nữa, Kinh Thánh gọi Sa-tan là con rắn (serpent), và Sa-tan không phải chỉ đơn thuần là đã nhập vào một con rắn hay nó đã sử dụng con rắn như là một công cụ để dụ dỗ loài người sa ngã.

Hãy xét một khía cạnh khác: Chúa Jesus phán, “Ta đã thấy Sa-tan từ trời [Thiên Đàng] sa xuống như một lằn chớp” (Lu-ca 10:18, BD2011). Có phải Ngài đề cập đến khoảng thời gian trước khi có Sự Sa Ngã? Phải chăng Ngài đã không vui mừng khi vào lúc ấy các môn đồ, bằng đức tin, đã đi rao giảng Tin Lành, chữa bệnh, đuổi quỷ, và làm nhiều phép lạ? Chưa bao giờ quyền lực của Sa-tan bị thách thức một cách thật hiệu quả như lúc này. Vì nguyên cớ này mà Chúa Jesus đến thế gian để tiêu diệt công việc của Quỷ dữ (1 Giăng 3:8).

Sa-tan chưa bao giờ từng là một “thiên sứ tốt” theo như sự dạy dỗ của các giáo hội. Nó đã được tạo ra trong ngày thứ sáu của sáng thế, và nó được tạo dựng với cái bản chất ác (hướng đến điều ác). Chúa Jesus phán rằng nó là một kẻ giết người từ ban đầu (Giăng 8:44). Một số người nói rằng Sa-tan là Lu-xi-phe và Lu-xi-phe là Sa-tan. Quý vị hãy đọc lại sách Ê-sai 14, nơi cả chương chỉ đề cập đến tên Lu-xi-phe, và quý vị sẽ thấy rằng cái tên được đề cập đến là nói về một con người, chứ không phải là về một thiên sứ.

Vấn đề là điều ác đã có trước Sự Sa Ngã, chứ không phải là vì do Sa-tan nổi loạn mà sinh ra điều ác. Xin hãy đọc Nguồn Gốc và Diện Mạo của Sa-tan.

Bây giờ, giả thiết rằng điều ác có trước, và thực sự là như vậy, và không phải là bởi vì một sinh vật đã giới thiệu điều ác đến với con người, vậy thì điều ác đã được Thiên Chúa tạo ra với một mục đích. Dù sao thì các tạo vật không thể sáng tạo chính mình, mà tất cả đều đã được tạo ra. Đấng Tạo Hóa là Đấng tạo ra muôn vật, và vì Ngài mà muôn vật đã được tạo ra. (Giăng 1:3; Cô-lô-se 1:16-17). Trong sự sáng tạo đó bao gồm cả điều ác.

“Thiên Chúa đã tạo ra điều ác sao?” Bạn có thể kêu lên. “Đồ báng bổ! Đồ tà thuyết! Thiên Chúa là một Đức Chúa Trời tốt lành; Ngài là Tình Yêu Thương! Ngài sẽ không bao giờ tạo ra điều ác!” Vâng, sự thật là Ngài đã làm, Ngài vẫn làm và sẽ tiếp tục làm điều đó. Một lần nữa, làm thế nào để giải thích sự hiện diện của Cây Biết Điều Thiện Điều Ác trong một khu vườn ở buổi sơ khai? Ai đã đặt nó ở đó? Ai đã tạo ra nó? Tất nhiên là Đấng Tạo Hóa đã làm điều đó.

“Đồng ý, nhưng đó mới chỉ là sự hiểu biết về điều ác, không phải là bản thân cái ác!” người ta có thể tranh luận. Ồ, vậy à? Liệu Thiên Chúa có ban cho con người sự hiểu biết về một cái gì đó mà nó không tồn tại chăng? Có phải đó chỉ là sự hiểu biết về điều thiện mà thôi chăng?

Loài người thà lựa chọn việc tin rằng Đấng Tạo Hóa của họ chỉ làm điều tốt với họ, mà Ngài không bao giờ làm điều ác.

Không đúng, Thiên Chúa đã tạo ra cả điều thiện và điều ác. Ê-sai đã nói tiên tri:

“Ngoài Ta, không có Đấng nào khác. Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác. Ta là Đấng tạo ra ánh sáng và dựng nên bóng tối, làm ra bình an và dựng nên tai họa [điều ác]; Chính Ta, Đức Giê-hô-va, là Đấng làm tất cả điều nầy.” (Ê-sai 45:6-7 RVV11)

Cái ý niệm rằng Thiên Chúa chỉ tạo ra điều thiện trong khi Sa-tan thì giới thiệu điều ác đến với con người không được minh chứng ở chỗ nào trong Kinh Thánh. Con người đã hình thành một khái niệm như vậy bởi vì họ không thể chịu được việc chấp nhận rằng Đấng Tạo Hóa của mình, Thiên Chúa của muôn vật, lại làm một điều như vậy. Và họ thà lựa chọn việc tin rằng Đấng Tạo Hóa của họ chỉ làm điều tốt với loài người, mà Ngài không bao giờ làm điều ác.

Nó cũng giống như việc trẻ con thích tin rằng cha mẹ chúng sẽ không bao giờ đánh phạt hay kỷ luật chúng. Ồ không, cha mẹ tốt luôn kỷ luật con cái họ, họ trừng phạt chúng thẳng tay ngay cả khi chúng không mong muốn. Thiên Chúa đã sắp đặt mọi sự theo cách đó bởi vì đó là cách của Ngài, của một Đức Chúa Trời.

Trong mắt trẻ em, mọi hình thức kỷ luật đều là ác độc, và cũng vậy con người xem sự sửa phạt của Chúa là ác. Chẳng phải Gióp không e sợ những điều này sao? ồng đã không kể lể những điều xảy đến với ông như là tà ác sao? Vâng, Gióp đã từng kêu ca. ồng nói với vợ: “Tại sao phước hạnh từ tay Đức Chúa Trời ban cho thì chúng ta đón nhận, còn tai họa từ tay Ngài giáng xuống thì chúng ta lại không nhận?” (Gióp 2:10 RVV11)

Bây giờ nếu Thiên Chúa đã tạo ra điều ác cũng như điều thiện, vậy tại sao Ngài lại làm như vậy? Sách Gióp bày tỏ câu trả lời khá rõ ràng. Ngài đã làm như vậy như là một điều cần thiết mà Ngài đã định bằng sự khôn ngoan của Đấng Sáng Tạo vĩ đại vì lợi ích và sự toàn hảo của các tạo vật Ngài. Điều ác là một phần không thể thiếu trong tất cả muôn loài trên vũ trụ này. Kinh Thánh nói Ngài đã khiến cho chúng ta bị ràng buộc vào sự hư không (Rô-ma 8:20).

Làm thế nào chúng ta có thể phân biệt cái nóng nếu không có cái lạnh, tích cực mà không có tiêu cực, ánh sáng mà không có bóng tối, cái đúng mà không có cái sai? Chúng ta không thể biết rõ về một thứ khi mà không có sự đối lập với chính nó. Đó là luật của thuyết tương đối. Đó là luật của thuyết đối lập.

Gióp chỉ biết đến sự công chính của riêng mình, và ông đã hết lòng bước đi trong công chính. Tà ác đã xảy đến cho ông, bởi sự điều phối của Thiên Chúa, thông qua Sa-tan, là kẻ hầu việc Chúa cho điều ác, để dẫn dắt Gióp đến một mức độ cao hơn của sự công chính, là điều duy nhất của chân giá trị, đó là sự công chính của Đức Chúa Trời.

Chúa Jesus đã học tập sự vâng lời từ sự tà ác mà Ngài phải gánh chịu.

Đời sống của Gióp là một câu chuyện ngụ ngôn cổ điển, là một trường hợp điển hình sinh động về những gì mỗi người chúng ta sẽ phải trải qua theo từng tình huống và vào thời điểm riêng biệt của mỗi người chúng ta, và không có sự giới hạn về mức độ. Vâng, chúng ta phải trải qua điều ác để học biết điều tốt lành. Đó là mục đích của Sự Sa Ngã [hay nguyên tội của A-đam, tổ tiên loài người].

Bây giờ bạn có thể hỏi, “sẽ không cần có nhu cầu sửa chữa giả sử nếu không có điều ác được tạo dựng?” Tuy nhiên, chúng ta đọc trong Kinh Thánh rằng ngay cả Con Thiên Chúa, Chúa Jesus Christ, là hình mẫu Con Trai Đức Chúa Trời không hề phạm tội, cũng đã học sự vâng lời bởi những điều Ngài phải chịu đựng dưới bàn tay của loài người. Sự việc Ngài đã liên tục bị bức hại bởi người Do Thái là có một mục đích. Ngài đã học sự vâng phục từ sự tà ác mà Ngài phải gánh chịu.

Khi người ta huấn luyện một con ngựa, con ngựa phải trải qua một giai đoạn kỷ luật trái với ý muốn của chính nó. Chúa Jesus cũng có ý chí riêng của Ngài, tách biệt với Đức Chúa Cha. Trong Ngài không có tội lỗi, Ngài đã không chọn làm trái với ý muốn của Chúa Cha, nhưng Ngài học vâng lời – Ngài đã học sự vâng phục, Ngài đã từ bỏ ý muốn của Ngài và tuân phục theo ý muốn của Chúa Cha – qua sự chịu khổ (Hê-bơ-rơ 5:8). Ngài phải chịu khổ ở dưới bàn tay con người là những người đã được đưa vào tình huống đó để thực hiện cái ác trên Ngài.

Khi nói về những điều ác Giô-sép phải chịu đựng do tay của anh em mình gây ra, Giô-sép nói với họ, “Mặc dù các anh đã có ý định hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời đã biến việc ấy thành điều tốt ” (Sáng thế ký 50:20). Giô-sép đã học sự vâng lời bởi những điều ông phải chịu đựng. Những điều ông phải chịu đựng là theo sự sắp đặt của Thiên Chúa chứ không phải bởi Sa-tan.

Khi Chúa Jesus đứng trước mặt Phi-lát, và Phi-lát hỏi Ngài, “Ngươi không biết rằng ta có quyền đóng đinh ngươi sao?” Chúa Jesus trả lời: “Nếu không do trên ban cho thì ngươi chẳng có quyền gì trên Ta” (Giăng 19:10-11). Vì vậy, quyền làm điều ác của Phi-lát là được ban cho bởi Thiên Chúa, và Phi-lát đã chìu theo yêu cầu của người Do Thái cho thi hành việc đóng đinh Chúa Jesus.

Đó có phải là điều ác không? Vâng, đó là điều ác. Có cần thiết như vậy không? Vâng, rất cần thiết. Đó là ý kiến của ai? Của Sa-tan hay của Chúa? Khi Phi-e-rơ đứng lên phát biểu tại Lễ Ngũ Tuần, ông nói:

“Hỡi người Y-sơ-ra-ên, xin lắng nghe những lời tôi trình bày: Ðức Chúa Jesus ở Na-xa-rét là Ðấng đã được Ðức Chúa Trời xác chứng với anh chị em bằng những việc quyền năng, phép lạ, và dấu kỳ; qua Ngài, Ðức Chúa Trời đã thực hiện những việc đó giữa anh chị em như anh chị em đã biết. Theo kế hoạch đã vạch trước và theo sự biết trước của Ðức Chúa Trời, anh chị em đã nộp Ngài vào tay những kẻ không coi Luật Pháp ra gì để đóng đinh Ngài trên cây thập tự, và giết đi.” (Công Vụ 2:22-23 BD2011)

Đức Chúa Trời cai trị trên muôn vật, và tất cả mọi sự đều nằm ở trong tay Ngài, bao gồm cả điều ác.

Bây giờ chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra điều ác – và Ngài làm điều đó với một mục đích trong sự khôn ngoan Ngài, và Ngài cũng phán với chúng ta một cách rõ ràng rằng tất cả mọi vật Ngài đã tạo ra là tốt (Sáng thế ký 1) – chúng ta biết rằng loài người cũng có thể được Ngài sử dụng cho mục đích của việc ác. Đừng đổ lỗi cho tôi hay đổ lỗi cho những điều Kinh Thánh dạy. Nếu bạn không tin điều đó, vậy thì hãy làm điều ác và vứt bỏ Kinh Thánh của bạn đi. Hay là làm nhiều việc ác hơn, tin theo điều bạn muốn tin, và dạy dỗ người khác rằng Kinh Thánh đã không dạy điều mà Kinh Thánh thực có dạy. Khi một người xuyên tạc (giảng dạy nghịch lại) những gì Kinh Thánh dạy, người đó sẽ phục vụ Sa-tan, và tôi tớ của nó cho điều ác.

Hay là làm điều tốt lành, tin Kinh Thánh, và vui mừng trong Chúa. Tại sao? Bởi vì bạn biết rằng Ngài là Đấng Chí Cao, Ngài cai trị trên muôn vật, và tất cả mọi sự đều nằm ở trong tay Ngài, bao gồm cả điều ác. Tại sao Phao-lô lại khuyên nhủ chúng ta rằng: “Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)?

Đây là sự thật tuyệt vời, sự thật mà ai tin sẽ được giải thoát. Chúa của tôi thật lớn lao, và tôi muốn nói là lớn hơn nhiều so với chúa (xin lưu ý là tôi viết chữ “c” nhỏ, thường) mà họ giảng dạy trong giới “Cơ Đốc” danh nghĩa. Vị chúa mà họ thờ phượng trong “Cơ Đốc giáo” danh nghĩa là một chúa giả, một món hàng giả mạo, một kẻ thất bại, một thứ hỗn hợp nghèo nàn, là sản phẩm của những con người xác thịt hoán đổi địa vị của Đấng Tạo Hóa mình bằng cách sáng tạo ra một vị thần (chúa) khác. Làm thế nào mà việc hoán đổi ý niệm hư hoại của con người cho Đức Chúa Trời, là Thần Lẽ Thật có thể đem lại ích lợi cho bạn được? Điều đó không thể nào.

Điều ác đã có mặt bởi vì đó là thật sự cần thiết, và do đó nó được tạo ra bởi Đức Chúa Trời; hoặc đó là sự phạm tội của loài thọ tạo, nó xuất hiện do sự nổi loạn của họ, và điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ít nhất 90% nhân loại một cách vĩnh viễn, theo như sự giảng dạy sai lạc vẫn đang hiện có trong các giáo hội.

Điều ác là phương tiện của Ngài để đưa chúng ta đến với sự nhận biết Ngài là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Và do đâu mà loài người có sự nổi loạn? Nếu Đức Chúa Trời là Nguyên Nhân Đầu Tiên, An-pha và ồ-mê-ga, Đấng Đầu Tiên và Đấng Sau Cùng, Sự Khởi Đầu và Kết Thúc, vậy thì Ngài đã tạo ra điều ác. Ngài là Tác Giả của nó.

Nhưng tôi biết Ngài, thông qua việc nhận biết Ngài cách cá nhân và bởi sự xác chứng của Kinh Thánh, rằng Ngài là Đấng tốt lành, trung tín, trung thực, một Đức Chúa Trời của tình yêu thương. Do đó, điều ác là cần phải có để phục vụ cho mục đích tốt lành. Nó là công cụ của Ngài để hướng dẫn và là phương tiện Ngài để đưa chúng ta đến với sự nhận biết Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta.

Loài người giảng dạy từ những chiếc bục giảng cao nhất và trọng vọng nhất của thế giới rằng cũng bởi “ý chí tự do” mà Chúa ban cho những con người Ngài đã tạo dựng trong hình ảnh của Ngài, nên đa số phần lớn nhân loại sẽ bị hư mất vì nó. Nếu những gì Ngài tạo ra là đã hoàn chỉnh, làm thế nào nó có thể trở nên tồi tệ như vậy tự bản thân nó? Bạn đã nhận thức được ý nghĩa của nó chưa?

Nếu một tạo vật là tốt, được tạo ra bởi Thiên Chúa tốt lành và hoàn toàn khôn ngoan, đã trở nên “xấu,” và Thiên Chúa phải sắp đặt kế hoạch cứu chuộc cho tạo vật đó, chẳng phải công trình Ngài sẽ là tốt về sau rốt sao? Nhưng theo lý luận của con người, trong bản chất “xấu xa” của mình là hậu quả của sự việc liên quan đến Cây Biết Điều Thiện và Điều Ác, mà từ chỗ đó anh ta đã được phán dạy là không được ăn trái của nó, mặc dù anh ta đã không bị ngăn cản việc ăn nó.

Lý luận tiếp tục như vầy: Đức Chúa Trời ban cho con người một “ý chí tự do,” để xem anh ta có vâng lời Chúa và nhìn nhận mọi thứ theo cách của Ngài hay không. Bằng cách lý giải này, con người đã chối bỏ việc Thiên Chúa sáng tạo cả điều thiện và điều ác. Và ý định tốt lành của Thiên Chúa như Ngài sắp đặt lúc ban đầu đã không được áp dụng.

Kế hoạch dự phòng của Ngài hầu như đã không có hiệu quả! Các “nhà thần học” lý giải rằng bằng “ý chí tự do”, một số người hiền lành, biết phân biệt đúng sai, và khiêm tốn đã “chấp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu Chuộc” và sẽ được sống với Ngài mãi mãi, trong khi phần lớn nhân loại những ai bác bỏ Ngài sẽ bị hư mất (chết).

Bạn biết điều này nói gì không? Rằng có đức tính tốt, một vài dấu hiệu của sự công chính, bên trong con người (hoặc trong một số ít khan hiếm con người). Thuyết “ý chí tự do” cho rằng nhờ vào đức hạnh của con người, anh ta có thể chọn điều đúng.

Chẳng có ai là người tốt. Tất cả đều chọn điều ác.

Nhưng điều này là hoàn toàn trái ngược với sự xác chứng của Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô lặp lại các câu Thi Thiên khi giảng dạy người Rô-ma:

Rô-ma 3:10-18, BD2011
10/ Như có chép rằng, “Chẳng có ai công chính,
Dù một người cũng không.
11/ Chẳng có người nào hiểu biết.
Chẳng ai tìm kiếm Ðức Chúa Trời.
12/ Tất cả đều lìa bỏ Ngài.
Họ cùng nhau trở thành vô dụng.
Chẳng có ai làm điều lành,
Dù một người cũng không.
13/ Cổ họng chúng chẳng khác nào huyệt mả mở ra;
Lưỡi chúng nói toàn những lời giả dối;
Dưới môi chúng là nọc rắn độc.
14/ Miệng chúng chứa đầy những lời nguyền rủa và cay đắng.
15/ Chân chúng lẹ làng đi gây đổ máu.
16/ Nẻo đường chúng đi qua để lại điêu tàn và đau khổ.
17/ Chúng chẳng biết con đường hòa bình là gì.
18/ Chẳng có sự kính sợ Ðức Chúa Trời ở trước mắt chúng.”

Đó là biểu hiện rằng mọi người sẽ hủy diệt chính mình bằng “ý chí tự do” của riêng mình và thậm chí không có một số ít những người tốt nào làm điều đó bằng cách tự chọn, bởi vì chẳng có ai là người tốt. Tất cả đều chọn điều ác. “ý chí tự do” ư? Tôi không nghĩ như vậy! Tôi không nghĩ như vậy! Không hề có sự đề cập nào về “ý chí tự do” trong Kinh Thánh. Rõ ràng họ cũng có được sự lựa chọn, nhưng những người nô lệ cho tội lỗi thì không có “ý chí tự do.”

Chỉ cần suy nghĩ! Loài người, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng tốt lành, khi họ chọn cách “tự do” ứng xử của mình nghịch lại với sự lựa chọn của Thiên Chúa, và do đó họ sẽ đi vào sự hủy diệt đời đời. Thật là mâu thuẫn và hư cấu!

Bạn sẽ ứng xử như thế nào khi Kinh Thánh tuyên bố rằng tất cả sẽ biết Ngài, từ người nhỏ nhất đến người lớn nhất, rằng trái đất sẽ được bao phủ kiến thức về sự vinh hiển của Chúa, như các dòng nước che lấp biển, và rằng mọi đầu gối sẽ quỳ và mọi môi lưỡi sẽ xưng nhận Đấng Christ Jesus là Chúa?

Vâng, điều ác tồn tại, nhưng là để phục vụ cho một mục đích tốt lành. Phao-lô đã nói với các tín đồ tại Rô-ma: “Muôn vật đã bị lệ thuộc sự hư không, chẳng phải tự ý, nhưng bởi Đấng muốn chúng lệ thuộc, với hi vọng rằng chính muôn vật rồi đây cũng sẽ được giải phóng khỏi thân phận nô lệ cho sự hư nát, để chung hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:20-21 RVV11)

Chỉ những người tự xưng công chính mới tin rằng họ đã chọn Ngài.

Kinh Thánh dạy rằng có hằng hà sa số người ở trên Thiên Đàng mà không ai có thể đếm được (Khải Huyền 7:9). Thật nghe có vẻ như không phải là Thiên Đàng nếu không có mấy ai ở đó, ngoại trừ một vài kẻ tự xưng công chính về công việc tốt bởi tay mình, vì họ biết chọn điều tốt lành trong khi các tạo vật còn lại thì phần của họ là hồ lửa và bị đốt cháy bừng bừng mãi mãi.

Cũng có lời viết rằng không có người nào có thể công xưng Chúa Jesus là Chúa ngoại trừ được ban cho bởi Thánh Linh Ngài (1 Cô-rinh-tô 12:3), nhưng mọi người sẽ thú nhận Chúa Jesus là Chúa (Rô-ma 14:11). Làm thế nào con người có thể nhận lãnh sự bày tỏ của Thánh Linh Sự Sống Ngài nếu họ bị đưa vào địa ngục mãi mãi?

Chỉ là vấn đề của những người tự xưng công chính họ tin rằng họ đã chọn Ngài trong khi phần lớn người khác thì bác bỏ Ngài. Dân Ngài đã chối bỏ Ngài. Những người Ngài chọn đã chối bỏ Ngài. Bây giờ là lúc những người không chọn Ngài, tiếp nhận Ngài:

“Ê-sai lại mạnh dạn nói rằng: ‘Những người không tìm kiếm Ta thì đã gặp được Ta; Ta đã tỏ mình ra cho những người chẳng cầu hỏi Ta.” (Rô-ma 10:20 RVV11)

Và tại sao họ nhận Ngài? Bởi vì nhờ bởi đức hạnh của họ chăng? Không; “Ngài cứu chúng ta không vì những việc công chính chúng ta làm, nhưng vì lòng thương xót của Ngài….” (Tít 3:5 BD2011)

Mục đích của điều ác là để sửa dạy và kỷ luật những người được tạo dựng trong hình ảnh của Ngài.

Nhưng sự lựa chọn của Ngài là không đủ tốt cho những người tuyên bố rằng họ đã chọn Đấng Christ. “Bởi vì anh từ chối ý muốn của Ngài,” họ nói, “bây giờ anh phải tự mình hoàn thành ý muốn của Ngài. Thiên Chúa không có gì để nói nữa! Anh đã khởi sự điều ác, và bây giờ tự anh phải khởi sự điều thiện.”

Nếu Thiên Chúa đã không tạo ra điều ác, vậy thì thật khó có thể giải thích điều ác. Nhưng nếu Thiên Chúa là Đấng Cai Trị, như Kinh Thánh tuyên bố, và Ngài là Đấng Cao Nhất, vậy thì Ngài đã tạo ra điều ác vì Ngài có một mục đích cho nó. Mục đích của điều ác là để sửa chữa, chỉ đạo, sửa phạt, dạy dỗ và kỷ luật những người được tạo dựng trong hình ảnh của Ngài. “Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mà Ngài đã chịu.” (Hê-bơ-rơ 5:8 )

Khi chúng ta làm công trình xây dựng, chúng ta cắt những tấm ván và bê tông, chúng ta đóng đinh vào gỗ, khoan, búa, đục, đào, giũa, gọt, và cũng có khi chúng ta bị lẫn lộn. Nó là một phần của toàn bộ công việc, cùng với việc lắp ráp, buộc, dựng lên, trát vữa xi măng, phối hợpkết nối. Kim cương được cắt xén, để có hình dạng như một cái gì đó có giá trị, vàng được tinh luyện trong lửa. Trước tiên ban đêm, sau đó là ngày; ban đầu là nỗi buồn, sau đó là niềm vui; đầu tiên là gọt giũa, cắt xén và đóng bằng búa, sau đó là một sự lắp ráp để có được kết quả mong muốn.

Tất cả có thể trở nên rất là đơn giản. Chúng ta phải nhận lãnh Vương Quốc như những đứa trẻ. Hãy suy nghĩ về Tin Lành, Bài Giảng Trên Núi, tất cả nằm ở trong đó! Chúa Jesus đã liên hệ tất cả mọi thứ theo cách rất giống nhau: Đức Chúa Trời cai trị trên tất cả, là Đấng Khởi Tạo của tất cả, là Kỹ Sư của tất cả, Bậc Thầy của tất cả. Lẽ thật đều nằm ở trong đó! Ngài đã phán, “Chúa Cha là ở đây, trong tất cả mọi thứ, hỡi những người ít đức tin (không có tầm nhìn, sự hiểu biết và kiến thức).” Nếu bạn biết và tin Lẽ Thật, vậy bạn còn có điều gì để mà lo lắng? “Hỡi người ít đức tin” – đó là vì bạn không cảm nhận được Ngài hiện ở đâybây giờ.

Ngài sẽ kết thúc công việc này, và cái ác sẽ hoàn thành nhiệm vụ của nó.

Đức tin là gì? Đó là nhận biết Đức Chúa Trời và đường lối của Ngài, biết rằng Ngài trị vì trên tất cả mọi sự, cả thiện và ác, và tin cậy Ngài trong tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, ngay cả sứ đồ Phao-lô cũng đã sợ hãi và ngất xỉu nhiều lần. Chúng ta đang được thử nghiệm, được thử thách các giác quan thuộc về “Cây Kiến Thức” của chúng ta mà thường thì nó đem đến cho chúng ta nhiều ảo giác hơn là sự thật về chúng ta. Chúng ta được thanh lọc, củng cố, và thay đổi từng chút một theo hình ảnh của Ngài.

Thiện và ác bắt đầu từ vườn Ê-đen nơi Thiên Chúa đã tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Ngài sẽ kết thúc công việc này, và cái ác sẽ hoàn thành nhiệm vụ của nó. Ngợi khen Chúa! Chẳng phải điều đó là tuyệt vời sao khi chúng ta biết rằng cái ác cũng sẽ có ngày bị khuất phục vì ích lợi của chúng ta (“Điều ác rồi cũng sẽ qua đi,” Chúa Jesus phán), và nó tồn tại vì mục đích tốt lành đấy chứ?

Nói về những người luôn sống trong sự sợ hãi cái ác và nghĩ rằng 90% tạo vật có bản chất tốt lúc ban đầu sẽ bị hư mất, có lời viết:

“Với người trong sạch, mọi sự đều trong sạch; nhưng với những kẻ bại hoại và vô tín thì không điều gì là trong sạch cả. Trái lại, cả tâm trí và lương tâm họ đều đã bị băng hoại. Họ tự nhận là người biết Đức Chúa Trời, nhưng hành động của họ lại từ chối Ngài. Họ thật đáng ghét, không vâng lời, không thể làm được một việc gì tốt đẹp cả.” (Tít 1:15-16 RVV11)

Nói về những người nhờ ân điển Ngài mà họ được nhận biết một Đức Chúa Trời Duy Nhất, Đấng Tạo Hóa và Đấng Cầm Giữ tất cả mọi thứ, và được biết về đường lối của Ngài, có lời chép:

“Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những người yêu mến Đức Chúa Trời, tức là những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28 VI1934)

Chúng ta cũng biết mục đích đó là gì, trong đó cái ác bây giờ làm nhiệm vụ của nó: Kinh Thánh tuyên bố rằng, trong thời viên mãn, Thiên Chúa sẽ cứu chuộc tất cả mọi người, kể cả những kẻ ô uế trong tội và kẻ chẳng tin, kẻ chối bỏ Ngài và kẻ đáng ghê tởm, kẻ bất tuân, và chống nghịch mọi việc tốt lành. Dù sao thì Chúa Jesus Christ đã đến thế gian để cứu những con người tội lỗi, chứ không phải những người công chính.

“Trong vòng họ sẽ chẳng có ai dạy bảo công dân mình và anh em mình, rằng: Hãy nhìn biết Chúa; vì tất cả họ, từ người nhỏ nhất cho đến người lớn nhất đều sẽ biết Ta, vì Ta sẽ tỏ lòng thương xót đối với sự gian ác họ, và không ghi nhớ tội lỗi họ nữa.” (Hê-bơ-rơ 8:11-12 BD2011)

Victor Hafichuk

Bấm vào ĐÂY để xem các bài viết tiếng Việt.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Newest
Oldest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments

Provide your email if you would like to receive periodic correspondence from us.



0
You can leave a comment herex
()
x